Thời bao cấp, tất cả các cán bộ đi công tác nước ngoài kể cả cán bộ ngoại giao ngắn hay dài ngày đều phải lên phố Hàng Bột (Hà Nội) để mượn quần áo.
Vào thời bao cấp, khoảng năm 60-70, những người được nhận công văn công tác nước ngoài cũng đều phải đi… mượn quần áo Nhà nước ở phố Hàng Bột, theo như nhiều người kể lại thì đó là một kho đồ của Bộ Tài chính. Trong đó có khoảng vài trăm bộ comple – là thứ hàng cực hiếm lúc bấy giờ, được may sẵn với đủ mọi kích cỡ. Đa số các bộ đồ này đều có chỉ có màu tím than hoặc xanh dương đậm, với chất liệu bằng kaki hoặc vải dạ, hầu hết là hàng viện trợ từ Mông Cổ, Liên Xô, Trung Quốc… Ngoài bộ comple, những người đi nước ngoài còn được mượn thêm cả sơ mi, quần âu, một cái cà vạt, 1 cái vali có đóng bằng gỗ bọc vải. Sang đến Liên Xô đoàn cán bộ được ở khách sạn Tháng Mười – và được bao cấp 100% như gửi thư không phải dán tem, giặt khô quần áo, sửa đồng hồ… tất cả đều được miễn phí hoàn toàn.
Để chỉn chu và đồng đều về trang phục, cán bộ xuất ngoại ngày đó đều mặc đồ nhà nước cấp
Điểm hay của tất cả những bộ đó là để đánh dấu nên người quản kho đều dùng lá trầu không để in một chữ KHO to đùng ở phần lưng quần và miệng túi áo trong. Chính cái chữ KHO – ở ta thì dễ hiểu, sang Tây lại khó hiểu này đã khiến nhiều chuyện khá hài hước xảy ra.
Thành viên A ở một diễn đàn kể một chuyện vui hồi đi công tác ở Liên Xô: “Đoàn chúng tôi có 5 người, sang bên Liên Xô việc đầu tiên sau khi nhận phòng là trút bộ comple ra để giặt là cho phẳng phiu. Đến chiều bà phục vụ đi các phòng gõ cửa , mồm luôn gọi Ta – vơ – rít Kho (có nghĩa là Đồng chí Kho) vì cả 5 bộ đưa đi giặt đều có áo in chữ KHO. Vì vậy bà nghĩ rằng Kho chắc hẳn là một cái tên rất phổ biến ở Việt Nam. Một trường hợp khác xảy ra với anh bạn tôi làm thông ngôn cho một đoàn cao cấp ở Đồi Lê Nin. Vì giỏi tiếng Nga nên buổi chiều, anh thăm hỏi bà phục vụ phòng. Bà nhìn anh từ đầu đến chân, rồi bỗng mắng cho một trận té tát: “Lần trước mày hẹn là sẽ viết thư cho tao kể chuyện chiến tranh ở Việt Nam. Vậy mà tao không nhận lấy của mày một chữ, thế là thế nào?”. Anh bạn tôi ngẩn tò te vì đây là lần đầu tiên anh… được đi Liên Xô. Thấy bộ dạng ngơ ngác của anh, bà lại mắng tiếp: “Mày lại quên hay sao? Đây này, lần trước mày ngồi hút thuốc, tàn thuốc rơi xuống làm thủng một lỗ ở tay áo. Tao ngồi cả một buổi tối mạng lại lỗ thủng đó cho mày. Nhớ ra chưa?”. Vừa nói, bà lại kéo tay anh bạn tôi chỉ vào vết thủng trên bộ quần áo anh mặc. Thì ra đúng là có một cán bộ Việt Nam khác đã được bà phục vụ người Nga phúc hậu giúp. Và bà chỉ nhận diện được người mang ơn qua lỗ thủng và chữ KHO in trên áo!”
Du học sinh cũng mượn đồ của Nhà nước
Ngoài các cán bộ thì sinh viên đạt tiêu chuẩn đi học nước ngoài, trước khi sang xứ người cũng phải đi mượn quần áo. Sở dĩ như vậy bởi với điều kiện kinh tế khó khăn thiếu thốn ở cái thời “Cho may ô mới được phần may ô”, thì ít ai có đủ bộ phục trang tối thiểu để cư trú ở nước ngoài trong nhiều năm. Được Bộ Đại Học gọi tập trung tạm thời, sau đủ các màn khám sức khỏe, mới bắt đầu cẩn thận thực hiện việc cấp phát trang phục cho từng người cả nam và nữ với một bản kê khai chi tiết đầy đủ các thứ đồ đã mượn. Đi bất cứ nước nào thì họ cũng được cấp một vali vải giả da hoặc túi du lịch loại lớn để chứa quần áo được nhận. Để chuẩn bị chống chọi với cái rét cắt da của phương xa, các vali, túi, hòm phải chất đủ các thứ từ sơ mi, quần tây, đồ giữ ấm như măng tô, mũ lông, áo len, khăn len quàng cổ, giày da, tất chân, bộ complet… với màu sắc thì cũng như đã kể trên, toàn một màu “ít bẩn” rất mốt thời bao cấp như tím than hay xanh dương đậm.
Hai bộ comple có kiểu cách giống nhau, bộ màu sáng là của Liên Xô cấp, bộ màu tối là điển hình cho quần áo nhà nước phát cho du học sinh
Sau khi về nước, dù thuộc diện tốt nghiệp hoàn thành khóa học hay về sớm vì lí do sức khỏe hoặc tiếp thu không được, thì bất cứ ai cũng phải gửi trả lại cho Nhà nước những thứ đồ “mượn” như trong bản kê khai nhận đồ đã ký ban đầu.
Ông Thái Hồng – người đã từng du học ngành Y tại Liên Xô và Trung Quốc những năm 60- 70 bồi hồi nhớ lại những chuyện ngày xưa: “Việc mượn quần áo ở Liên Xô và Trung Quốc cũng khác nhau nhiều lắm đấy. Hồi tôi chuẩn bị qua Liên Xô, được nhà nước cấp trước cho một bộ comple với vài chiếc áo ấm, đến khi sang bên kia mỗi năm lại được chính phủ nước bạn cho mượn thêm 1 bộ comple nữa với kha khá quần áo, thế là xông xênh áo xống thừa để yên tâm học tập trong cái lạnh buốt của khí hậu hàn đới. Đến khi về bản quốc lại còn được Liên Xô tặng lại hết cho những thứ ấy. Còn sau đó, tôi sang Bắc Kinh -Trung Quốc học, cũng được cán bộ bản xứ phát cho ít quần áo mặc thay đổi. Kết thúc quá trình học tập, khăn gói hành trang về Việt Nam, khi ra tới gần đoạn Cốc Lếu là mấy đồng chí Trung Quốc bắt lột hết đồ họ cấp, không được mang về thứ gì, kể cả quần áo đang mặc trên người. Thời kỳ ấy là vào khoảng cuối năm 70”.
Quần áo ấm mùa đông cũng là “đồ đi mượn”
Một bộ trang phục được Liên Xô phát
Lan man sang chuyện dân mượn đồ của nhau
Thanh niên thì thời nào cũng vậy, với sự nhiệt huyết, trẻ trung, họ luôn tìm được những phương cách để vượt lên hoàn cảnh, đơn cử ngay như chuyện mượn đồ để… khoe mẽ.
Tuy nhiên việc này cũng khiến xảy ra cơ man “tai nạn”, ông Thành vừa nhớ lại vừa cười: “Có lần tôi mặc một bộ quần áo, mà trong đó áo là của tôi, quần là của anh bạn trong nhóm để đi chơi cùng một cô khoa Sử. Hôm đấy lại đúng sinh nhật nàng, không có tiền mua quà nên tôi quyết đinh liều…trèo bờ rào nhà nọ để hái hoa. Chẳng may lúc trèo ra, mải loay hoay cầm hoa, quần bị vướng ngay vào đống kẽm gai, xước một mảng khá to. Thôi, lúc đấy thì lo cuống quít, vứt cả hoa, quên cả cuộc hẹn, chỉ có mỗi hình ảnh cái quần đi mượn rách tươm rách tả là còn trong đầu. Tôi phải chạy ngay đến 5 hàng may thì 4 hàng không nhận mạng lại vì rách “thảm” quá, mà kể cả sau khi mạng lại rồi cái quần ấy trông vẫn rất kinh khủng. Về anh bạn tôi nhất nhất không chịu nhận quần lại, “ăn vạ” đòi đền cái mới nhưng tôi làm gì có tiền, đành phải gá tạm cái áo “bảnh” nhất của mình cho anh ta, cầm chiếc quần tả tơi về mà lòng đau như cắt!”.
Mượn đồ ngày ấy cũng không chỉ để hẹn hò, mà ngoài ra còn cho nhiều tình huống khác như đi họp, đi ăn cưới, đi về quê ra mắt song thân phụ mẫu nhà vợ…Điều này minh chứng một điều rằng: Trong “thời để nhớ” đó, tuy hoàn cảnh cuộc sống khốn khó nhưng mọi người trong cộng đồng vẫn rất biết chia sẻ những gánh nặng lo toan với nhau.
Thu Hương (Khampha.vn)