Nơi quần áo lậu đổ bộ vào Việt Nam

Nơi quần áo lậu đổ bộ vào Việt Nam

Kinh hoàng phi đội “cửu bay”

Lạng Sơn những ngày giáp Tết rét cắt da cắt thịt. Trời lây rây mưa phùn mãi không dứt, cái lạnh vùng biên ải hòa cùng sương muối khiến những ngón tay tôi tê cóng. Khẽ rít một hơi thuốc cho ấm người, tôi thọc sâu tay vào túi áo rồi lầm lũi rảo bước về hướng cửa khẩu Tân Thanh. Tìm hiểu trước đó được biết, hàng hóa từ Trung Quốc được tuồn lậu vào Việt Nam chủ yếu thông qua những đường mòn tự hình thành nằm quanh thị trấn Đồng Đăng và khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Sau khi được cánh cửu vạn “cõng” bộ vào địa phận nước ta, hàng hóa sẽ được “nằm nghỉ” trong những căn nhà cấp 4 chạy dọc sườn núi. Từ đây, phi đội “cửu bay” sẽ túa ra như ong vỡ tổ chở hàng đi tập kết tại các kho hàng lớn xung quanh thị trấn Đồng Đăng. Sau đó, hàng sẽ theo những xe “su cóc” (loại xe tải nhỏ mui kín) về thành phố Lạng Sơn, rồi mới tiếp tục được chuyển đi khắp các đầu mối.

Nơi quần áo lậu đổ bộ vào Việt Nam, Thời trang, quan ao trung quoc, buon lau, hang trung quoc, quang chau, buon lau o quang chau, kinh nghiem danh hang trung quoc

Cửu vạn tấp nập “cõng” quần áo lậu về Việt Nam

Khác với “cửu vạn” ở đâu cũng có, “cửu bay” là một trong những “đặc sản” của Lạng Sơn với hình ảnh thường thấy là những gã đàn ông ăn vận kín mít, điều khiển xe máy chở theo những bao hàng cồng kềnh và phóng xe với tốc độ kinh hoàng. Theo giải thích, họ làm vậy để khi lực lượng chống buôn lậu có phát hiện cũng trở tay không kịp. Đội ngũ “cửu bay” Lạng Sơn rất đông đảo, làm việc bất biết ngày đêm và chịu sự chi phối của “cai cửu”. Nhiệm vụ của “cai cửu” tuy đơn giản, nhưng đóng vai trò hết sức quan trọng: Đảm bảo hàng hóa được đưa trót lọt qua biên giới bằng đường tiểu ngạch.

Không khó để thu thập thông tin về K. “mẩu”. Tiếng tăm của ông “trùm” vận tải gốc Hà Nội thậm chí còn vượt biên sang tận Quảng Châu. Một “cửu bay” nói: “K. “mẩu” làm việc uy tín” rồi khuyên tôi cứ về đi. Tôi hỏi kỹ thì được biết tất cả số hàng về cùng đợt với hàng của Tâm đã được K. “mẩu” đưa ra ngoài địa phận Lạng Sơn. “Cuối năm hàng hóa về nhiều, các cơ quan chức năng cũng ra quân mạnh nên xảy ra tình trạng “tắc biên”, rất nhiều lô hàng bị ách lại không thể tuồn đi được, không ít đã bị bắt giữ”, người này nói. Tôi nghe xong lòng trống rỗng, một chút tê tái khiến dạ dày hơi thắt lại. Chờ cảm giác ấy qua đi, sau một vài phút cân nhắc, tôi ở lại Lạng Sơn, quyết tìm hiểu rõ chân tơ, kẽ tóc các “chiêu thức” tuồn hàng lậu vào trong nước.

Hệ thống “chim lợn” và…

Việc sang kia biên giới bằng đường tiểu ngạch hóa ra dễ hơn tôi tưởng. Tuân (24 tuổi) đồng ý dẫn đường với giá 100 nghìn đồng, đi theo đường Đài, là đường cánh cửu vạn vẫn đi. Chàng trai gốc Thanh Hóa khá cởi mở, cho biết đang hành nghề sửa xe máy gần khu vực biên giới. Hồi mới lên Lạng Sơn, Tuân được “cai cửu” tập trung vào đoàn quân cửu vạn vác hàng lậu xuyên rừng. Sau mấy buổi do không chịu được đành xin ra làm ở tiệm sửa xe, kiêm luôn làm “chim lợn” cho cánh buôn lậu.

Công việc “chim lợn” của Tuân là hàng ngày ngồi ở quán sửa xe quan sát mọi di chuyển của lực lượng Hải quan và Bộ đội biên phòng (dân buôn lậu gọi là “sao xanh”). Hễ thấy “động” thì ngay lập tức thông báo qua bộ đàm cho các “cai cửu” và “chim lợn” khác. Tuân cho biết, mỗi cai thường nuôi 7, 8 chim lợn, cài cắm khắp nơi. Cai này lại trao đổi thông tin với cai khác để theo dõi sát sao mọi hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu. “Khuôn mặt, hình dáng, tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh gia đình của mỗi cán bộ, chúng tôi đều nắm rõ. Nếu “chim lợn” làm tốt thì ít khi hàng lậu bị tóm. Người lạ chỉ cần lảng vảng vào khu vực là bị theo dõi và báo động luôn. Hễ thấy bóng cơ quan chức năng, hàng loạt cánh cửa sắt giữa các dãy nhà cấp 4 dưới chân đồi lập tức đóng sập lại. Phá được cửa thì các tay cửu đã ở đầu bên kia biên giới”, Tuân hào hứng kể. Tuân cũng vui vẻ cho biết thêm, những người “lơ ngơ” như tôi lên đây ngày nào cũng cóá, hầu hết đều muốn sang bên kia biên giới để tìm cửa làm ăn. Mỗi lần gặp người như thế, Tuân lại nhờ bạn làm hộ “chim lợn” một lúc để dẫn khách vượt biên, kiếm ít đồng rau cháo.

Đường Đài chỉ dài khoảng 500m, vắt qua quả đồi nhỏ nối Việt Nam và Trung Quốc. Dọc đường đi, chúng tôi liên tục phải nộp phí cho các chủ đất vì đi ngang qua đất nhà họ, mỗi lần chỉ vài đồng lẻ. Tuân cho biết ở khu vực này có cả chục đường mòn nữa mà cánh cửu hay sử dụng để vận chuyển hàng lậu. Đường Hang Dơi vốn là điểm nóng nhất nay đã bị dẹp, thế nhưng rất nhanh sau đó lại nổi lên những đường Đài, Gốc Bưởi, Gốc Nhãn… mà có muốn, lực lượng chức năng cũng khó có thể biết hết được.

Trời mưa phùn khiến con đường đất trơn như mỡ, đã thế với hàng trăm cửu vạn hối hả cõng những bọc hàng lớn đi lại rầm rầm, khiến con đường càng trở thành nỗi khiếp hãi cho bất kỳ ai đặt chân đến. Tôi bắt chuyện với Dương, một cửu vạn đang đi tay không sang bên kia biên giới, bên hông vẫn đeo lủng lẳng miếng mút hình vuông. Anh này cho biết, công xá của cửu vạn được trả tùy theo hàng hóa, trung bình khoảng 30 nghìn đồng/lượt và một ngày anh cõng được khoảng mươi chuyến. Để được làm cửu vạn, ngoài chuyện có sức khỏe còn phải có uy tín. Một cửu vạn nếu không có người quen giới thiệu thì phải đặt cọc, trong trường hợp để mất hàng sẽ bị mất tiền công và mất luôn khoản đặt cọc này. Bởi vậy, cửu vạn thường chống trả rất quyết liệt mỗi khi bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ.

Nơi quần áo lậu đổ bộ vào Việt Nam, Thời trang, quan ao trung quoc, buon lau, hang trung quoc, quang chau, buon lau o quang chau, kinh nghiem danh hang trung quoc

Hàng hóa được tập kết ngay cạnh cột mốc biên giới 1103 trước khi tuồn lậu vào Việt Nam.

Những điều mắt thấy ở “tổng kho Lũng Vài”

Nếu như trước đây chợ mậu dịch Lũng Vài chỉ được coi là tổng kho, là điểm tập kết tạm hàng hóa Trung Quốc trước khi tràn vào thị trường Việt Nam (kể cả đường chính ngạch hay tiểu ngạch) thì nay mọi thứ đã khác hẳn. Toàn bộ khu chợ nằm trên diện tích khoảng 10ha với các con đường bê tông rộng lớn cùng hàng nghìn ngôi nhà 2 tầng được thiết kế theo chỉ một kiểu kiến trúc, bên ngoài treo biển hiệu song ngữ Việt – Trung.

Theo cách gọi mỹ miều của dân buôn bán, Lũng Vài giờ đây là “Quảng Châu thu nhỏ”, nơi cánh con buôn có thể đặt mua mọi thứ như đang ở Quảng Châu đích thực. Được biết, hàng hóa ở Lũng Vài cũng đều từ các mối ở Quảng Châu đưa ra, điều đó biến Lũng Vài thành một trung tâm với dày đặc các “văn phòng đại diện”. Thử làm hành động khảo giá, tôi cũng nhận được vô số những lời chào mời với giá rẻ giật mình, hệt như những gì đã trải qua ở Quảng Châu. Nhiều chủ hàng ở Lũng Vài còn khẳng định, chỉ cần nửa ngày để hàng từ Lũng Vài về đến Hà Nội.

Ra về khi trời đã xế chiều, đi lại trên con đường nhầy nhụa bùn đất trước khi xuống đường chính để ra xe về Hà Nội. Câu nói đầy ngạo nghễ của “chim lợn” tên Tuân cứ ám ảnh tôi mãi khôn nguôi: “Bất cứ một kẽ hở nào, dù nhỏ nhất cũng sẽ bị cánh buôn lậu khai thác để tuồn hàng vào. Do vậy “sao xanh” dù có dày đặc như nêm cối cũng không thể kiểm soát được hết”. Đoạn đường về vẫn cứ mù mịt bởi mưa rét. Chốc chốc, những chiếc xe cóc chất đầy hàng hóa chạy vượt lên, để lại sau lưng những bụi nước trắng xóa…

Một cán bộ của Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết do khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu chính thức giữa hai nước là rất lớn nên nhiều khi các nhân viên còn cảm thấy bị quá tải. Với những phản ánh đã nêu, người cán bộ này cho hay “có biết thực trạng đó” nhưng làm không xuể vì lực lượng mỏng và địa hình đồi núi vô cùng hiểm trở.

Hết!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*